Thông tư 74: Thận trọng và chặt chẽ
Thông tư 74 có hiệu lực từ 1/8 với nhiều nội dung mới như cho phép mở nhiều tài khoản, cho phép thực hiện giao dịch ký quỹ và được mua bán cùng một CP trong cùng phiên. Tuy nhiên, để thực hiện các giao dịch trên, NĐT sẽ phải chịu thêm nhiều ràng buộc chặt chẽ.
Sau nhiều thông tin rào đón về thông tư số 74 hướng dẫn về giao dịch CK, UBCK cuối tuần qua đã công bố toàn văn nội dung văn bản này.
Thông tư sẽ có hiệu lực từ 1/8 cùng với nhiều nội dung mới đáng chú ý là cho phép mở nhiều tài khoản, cho phép thực hiện giao dịch ký quỹ và được mua bán cùng một CP trong cùng phiên. Tuy nhiên, để thực hiện các giao dịch trên, NĐT sẽ phải chịu thêm nhiều ràng buộc chặt chẽ.
Mở nhiều tài khoản: Không nhiều ý nghĩa
Theo thông tư mới, NĐT cá nhân được phép mở nhiều hơn một tài khoản. Tuy nhiên, tại mỗi CTCK NĐT chỉ được mở một tài khoản. Nếu NĐT mở nhiều tài khoản giao dịch tại các CTCK khác nhau thì hồ sơ mở tài khoản tại CTCK mới phải ghi rõ số lượng tài khoản đã mở, mã số tài khoản tại các CTCK trước.
Ngoài ra, NĐT cũng được mở thêm một tài khoản giao dịch ký quỹ. Hai loại tài khoản thường và tài khoản ký quỹ sẽ được CTCK quản lý tách biệt nhau để báo cáo theo chế độ.
Ngoài các quy định chặt chẽ về thủ tục mở nhiều tài khoản, thông tư cũng quy định, nếu mở nhiều tài khoản tại nhiều CTCK, NĐT phải báo cáo nghĩa vụ cổ đông lớn trên tổng số CK tại các tài khoản và công bố thông tin theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định mới, một NĐT cá nhân có thể đăng ký hai tài khoản tại một CTCK là một tài khoản thông thường và một tài khoản ký quỹ. Việc mở nhiều tài khoản chỉ có ý nghĩa mang lại sự lựa chọn dịch vụ tại các CTCK khác nhau.
Mua bán cùng phiên: Một - một - một
Thông tư 74 quy định, việc mua - bán một loại CK trong cùng phiên chỉ được thực hiện trong một tài khoản tại một CTCK.
Điều này có nghĩa là NĐT không được cùng mua - cùng bán một loại CK tại hai tài khoản khác nhau. Nói cách khác, NĐT không được đặt mua CP ABC bằng tài khoản mở tại CTCK X, đồng thời đặt bán CP ABC tại CTCK Y trong cùng một phiên giao dịch.
Thêm vào đó, NĐT cũng chỉ được mua (hoặc bán) một loại CK nếu lệnh bán (hoặc lệnh mua) của CK trên đã được thực hiện trước đó. Có thể hiểu là, NĐT chỉ được mua CP ABC nếu lệnh bán CP ABC đã được khớp trước đó (và ngược lại).
“Điều này không phải là cho phép giao dịch “day-trading” - T+0 như cách hiểu của nhiều người” - ông Nguyễn Sơn - Trưởng ban Phát triển thị trường (UBCK) lý giải.
Về bản chất, chu kỳ thanh toán T+4 vẫn được giữ nguyên như hiện nay. Và thông tư mới cũng không cho phép vay hay mượn CK. Do đó, theo một số ý kiến thì việc cho phép mua – bán CP trong cùng phiên như trên sẽ góp phần làm tăng thanh khoản cho thị trường nhưng sẽ không tạo ra đột biến.
Thông tư 74 cũng cấm NĐT thực hiện giao dịch mà không dẫn đến việc thay đổi quyền sở hữu CK. Điều này đã vô hiệu hóa việc NĐT “hai tay hai súng”, lướt sóng, làm giá CP như từ trước tới nay.
Như vậy, với mong muốn được mở hơn một tài khoản để mua - bán cùng phiên giữa các tài khoản này của NĐT coi như bị bác bỏ.
Ký quỹ: Chờ tỉ lệ và danh mục CK
Nội dung quan trọng nhận được nhiều sự chú ý trong thông tư mới là chính thức cho phép thực hiện nghiệp vụ ký quỹ. Từ lâu nghiệp vụ này đã được thị trường triển khai, tỉ lệ cũng như danh mục CK thực hiện đều theo quy định của từng CTCK.
Tuy nhiên, theo thông tư 74, nghiệp vụ ký quỹ, tỉ lệ ký quỹ cũng như danh mục CK đủ tiêu chuẩn để thực hiện sẽ do UBCK nghiên cứu xây dựng và hướng dẫn thực hiện.
Theo ông Nguyễn Sơn, sau khi thông tư 74 được ban hành, UBCK tiến hành xây dựng các văn bản hướng dẫn các nội dung trên. Các văn bản này sẽ được công bố khi UBCN hoàn tất. Trong trường hợp cần thiết, để đảm bảo an toàn cho hoạt động của TTCK, UBCK có thể yêu cầu các CTCK tạm ngừng giao dịch ký quỹ.
Như vậy, khi thông tư 74 có hiệu lực, hai quy định là mua bán CP trong cùng phiên và mở nhiều tài khoản sẽ được triển khai từ ngày 1/8 tới đây, còn quy định về ký quỹ sẽ phải đợi cho tới khi UBCK nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện.
Cũng theo ông Nguyễn Sơn, trước khi triển khai áp dụng thông tư mới này, các CTCK sẽ phải chỉnh sửa lại phần mềm và kết hợp với các sở GDCK và Trung tâm Lưu ký CK chạy thử nghiệm.
Quy định chặt việc uỷ quyền cá nhân NĐT cá nhân được ủy quyền giao dịch bằng văn bản cho CTCK hoặc NH Lưu ký CK. Nếu ủy quyền cho cá nhân thì NDDT phải đáp ứng khá nhiều điều kiện chặt chặt chẽ: 1- Văn bản ủy quyền phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng. 2- Hợp đồng ủy quyền phải nêu rõ phạm vi ủy quyền. 3- Người được ủy quyền không được thực hiện các giao dịch với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình là người được ủy quyền. 4- Nhân viên CTCK không được phép nhận ủy quyền của NĐT. Như vậy, với việc ủy quyền hiện nay theo các chuẩn của các CTCK sẽ phải làm lại theo chuẩn mới. Và việc sử dụng tài khoản ủy quyền để giao dịch lướt sóng trong ngày coi như vô hiệu. |
Theo Lưu Thuỷ
Lao động